Viêm phế quản cấp tính ở trẻ em là bệnh lý cực kì phổ biến ở trẻ nhỏ. Tuy phổ biến là vậy, nhưng nó gây ra không ít lo lắng cho các bà mẹ, cũng như ảnh hưởng không ít đến trẻ nhỏ. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để cung cấp kiến thức bổ ích về bệnh lý này!
Viêm phế quản cấp tính ở trẻ em là gì?
Viêm phế quản cấp tính ở trẻ em là tình trạng viêm đường thở lớn (phế quản) với các triệu chứng phát triển nhanh chóng và không kéo dài. Điều gì gây nên bệnh này?
Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm phế quản cấp tính là do virus. Bệnh thường phát triển sau khi trẻ bị cảm lạnh hoặc nhiễm virus đường hô hấp trên như: mũi, miệng,hoặc cổ họng…. Bệnh thường dễ lây lan khi tiếp xúc với bệnh nhân.
Những trẻ có nguy cơ mắc viêm phế quản cấp tính cao hơn thông thường gồm:
- Viêm xoang mạn tính
- Dị ứng
- Hen suyễn
- Viêm Amidan
- Tiếp xúc với khói thuốc lá
Chính những yếu tố trên làm tăng nguy cơ mắc viêm phế quản cấp tính ở trẻ em. Hầu hết các trường hợp là nhẹ. Tuy nhiên, bệnh gây ra các triệu chứng rất điển hình. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất, tinh thần của bé cũng như các bậc cha mẹ.
Triệu chứng viêm phế quản cấp tính trẻ em là gì?
Các triệu chứng thường xuất hiện ở trẻ bị viêm phế quản cấp tính gồm:
- Ho khan hoặc ho có đờm
- Chảy nước mũi
- Nôn hoặc buồn nôn
- Cơ thể mệt mỏi,ớn lạnh, sốt nhẹ
- Khò khè, viêm họng
Các triệu chứng này có thể kéo dài trong vài tuần, riêng ho có thể kéo dài đến 3 – 4 tuần. Bệnh này không phải là bệnh lý quá nguy hiểm. Tuy nhiên nếu không được điều trị đúng đắn có thể dẫn đến các biến chứng không mong muốn như: viêm phế quản mạn tính, viêm phổi…
Viêm phế quản cấp tính ở trẻ em điều trị như thế nào?
Việc điều trị phụ thuộc nhiều vào triệu chứng, mức độ bệnh, tuổi tác cũng như thể trạng của bé.
Thông thường, viêm phế quản cấp tính đều do virus, do đó không cần sử dụng kháng sinh trong điều trị. Trừ trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán viêm phế quản cấp tính có nhiễm khuẩn thì sẽ được chỉ định dùng kháng sinh phù hợp.
Khi trẻ được chẩn đoán bị viêm phế quản cấp tính cần:
- Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều.
- Cho trẻ uống nhiều nước.
- Sử dụng máy làm ẩm phun sương mát trong phòng cho bé.
- Sử dụng thuốc ho, thuốc hạ sốt.
Cần chú ý, khi sử dụng thuốc ho, hạ sốt cho bé cần hỏi ý kiến của người có chuyên môn như dược sĩ nhà thuốc hoặc bác sĩ để có hướng dẫn phù hợp.
Trên đây là những kiến thức cần biết về bệnh viêm phế quản cấp tính ở trẻ em. Mong rằng, đây sẽ là kiến thức bổ ích cho các bậc cha mẹ trong chăm sóc sức khỏe cho bé.
Chúc bé khỏe – cả nhà vui!